Kinh tế Nhà Tống

Tống Thái Tổ khi kiến quốc liền xác lập chế độ quyền tài sản tư hữu với thổ địa, mậu dịch tự do, đồng thời chọn chính sách không ngăn chặn thôn tính, kinh doanh tô điền trở thành hình thức kinh doanh thổ địa trọng yếu. Sau khi mãn hạn khế ước tô điền, điền nông có thể tự do quyết định đình chỉ hoặc kế tục.[tham 61] Tính lưu động nhân khẩu được tăng cường, kinh tế thương phẩm thành thị phát triển. Có học giả nhận định rằng thời Tống đã manh nha xuất hiện tư bản chủ nghĩa.[tham 62]

Kinh tế thời Tống phồn vinh, đạt trình độ chưa từng có trước đó, nông nghiệp, in ấn, làm giấy, tơ lụa, đồ sứ đều có sự phát triển trọng đại. Các ngành hàng hải, đóng thuyền có thành tựu đột biến, mậu dịch hải ngoại phát đạt, tổng cộng thông thương với 58 quốc gia tại Nam Dương, Nam Á, Tây Á, châu Phi, châu Âu.[tham 63] Dân số thủ đô Bắc Tống là Khai Phong ước lượng khoảng 750.000 vào năm 1078, chắc chắn là một trong những thành phố lớn nhất trên thế giới. Thời kỳ đầu Nam Tống, phương Nam phát triển toàn diện theo chiều sâu trên quy mô lớn, biến phương Nam trở thành trung tâm kinh tế-văn hóa của Trung Quốc, hoàn toàn thay thế phương bắc.

Nông nghiệp

Thời Tống, nông nghiệp dần chuyển biến theo hướng chuyên nghiệp hóa và thương nghiệp hóa.[tham 64] Sơ kỳ Bắc Tống, khai hoang được diện tích lớn, không bị hạn chế thôn tính, quy mô ruộng đồng được mở rộng, nhằm nâng cao năng suất canh tác người ta chú trọng xây mới thủy lợi, cải tiến nông cụ, đổi giống cây trồng, nông nghiệp phát triển nhanh chóng.[tham 65] Nhiều hình thức ruộng đồng mới xuất hiện vào thời Tống, chẳng hạn như ruộng bậc thang (xuất hiện tại vùng núi), ruộng ứ (lợi dụng bùn đọng hình thành do nước sông xói mòn), ruộng cát (đất pha cát tại ven biển), ruộng giá (trên mặt hồ làm bè gỗ, bên trên trải bùn thành đất). Điều này làm gia tăng mạnh diện tích đất canh tác của Tống.[tham 66] Đến năm Chí Đạo thứ 2 (996), triều đình Tống nắm trong tay diện tích đất ruộng là hơn 3.125.200 khoảnh. Đến năm Thiên Hy thứ 5 (1021) tăng lên đến trên 5.247.500 khoảnh. Đến năm những năm Nguyên Phong (1078-1085), đạt đến diện tích đất canh tác đỉnh điểm là 700 triệu mẫu.

Các loại nông cụ mới xuất hiện vào thời Tống, như 'long cốt phiên xa' và 'đồng xa'. Có 'đạp lê' thay trâu cày, có 'ưởng mã' dùng trong cắm mạ. Sự xuất hiện của công cụ mới và cây trồng mới đã khiến cho sản lượng nông sản tăng trưởng mạnh. Thông thường, đất ruộng trồng mạch tại Hoa Bắc mỗi năm một mẫu có thể thu được hai thạch đến ba thạch rưỡi; còn các khu vực Giang Hoài, Lưỡng Chiết, Phúc Kiến, Xuyên Kiểm, Kinh Hồ mỗi năm có thể đạt đến 3-7 thạch. Năm Đại Trung Tường Phù thứ 5 (1012), giống lúa gạo chịu hạn, chín sớm được tiến cống từ Chiêm Thành, phân cấp cho Giang Hoài và Lưỡng Chiết, từ đó về sau gạo nhọn lúa sớm của phương nam còn được gọi là lúa Chiêm Thành, lúa Hoàng Tiên.[tham 67] Thời Lưỡng Tống, sản lượng lúa gạo khu vực Thái Hồ đứng đầu toàn quốc, đặc biệt là Bình Giang phủ (nay là Tô Châu), có câu "Tô Hồ thục, Thiên hạ túc" (chỉ Tô Châu và Hồ Châu) hoặc "Tô Thường thục, Thiên hạ túc" (chỉ Tô Châu và Thường Châu), tức là các khu vực này được mùa thì toàn quốc đầy đủ lương thực. Nông nghiệp triều Tống phát triển theo khuynh hướng chuyên nghiệp hóa, thương nghiệp hóa,[tham 68] ví dụ như lưu vực Trường Giang và lưu vực Châu Giang nông nghiệp phát triển nhanh chóng, một số loại nông sản của phương bắc như túc, mạch, thử, đậu được đưa đến phương nam. Diện tích cây trồng kinh tế được mở rộng, vào trung kỳ Nam Tống, bông được trồng phổ biến tại khu vực Xuyên Thiểm, Giang Hoài, Lưỡng Chiết, Kinh Hồ, Mân, Quảng, khu vực trồng dâu nuôi tằm và gai cũng tăng lên. Thời Tống, phân bố trà đạt đến các lộ Hoài Nam, Kinh Hồ và Tứ Xuyên, các khu vực này mỗi năm nộp 14-15 triệu cân cho cơ cấu chuyên mại của chính phủ, không chỉ cung ứng thị trường quốc nội, mà còn bán ra ngoại quốc. Đương thời, trà được sản xuất tại Phúc Kiến là nổi danh nhất, các loại danh trà khác còn có Nhật Kinh trà của Lưỡng Chiết, Song Tỉnh Bạch trà của Giang Tây, Trúc trà của Quảng Tây. Thời kỳ Nam Tống, đất trồng trà tại phương nam nhiều hơn thời Bắc Tống, Tử Doãn tại Ngô Hưng, Dương Tiện tại Thường Châu, Nhật Chú tại Thiệu Hưng, Hoàng Long tại Long Hưng đều được gọi là "tuyệt phẩm".[tham 69] Trồng mía phổ biến tại các tỉnh Tô, Chiết, Mân, Quảng[tham 70] Đường trở thành thực phẩm được sử dụng rộng rãi, xuất hiện tư liệu đầu tiên trên thế giới chuyên về thuật pháp chế biến đường: "Đường sương phổ" của Vương Chước[tham 71]

Thủ công nghiệp

Bình gốm thời Tống

Khoáng sản chủ yếu thời Bắc Tống bao gồm vàng, bạc, đồng, sắt, chì, thiếc, than đá. Thời Tống Nhân Tông tại vị, có đến hơn 270 mỏ khoáng sản kim loại, tăng hơn 100 điểm so với những năm thịnh Đường. Thời kỳ Nhân Tông, mỗi năm khai thác hơn 15 nghìn lạng vàng, hơn 29 nghìn lạng bạc, hơn 5 triệu cân đồng, 7,24 triệu cân sắt, hơn 90 nghìn cân chì, hơn 33 vạn cân thiếc.

Robert Hartwell đã chứng minh sự mở rộng đáng kể ngành sản xuất sắt và thép ở Trung Quốc thời Bắc Tống (960-1126). Quy mô sản xuất cũng như nhân lực tại các xưởng luyện kim thời nhà Tống đã vượt xa những gì châu Âu đạt được trước khi bước vào thế kỷ 18, thời kỳ của Cách mạng Công nghiệp. Hartwell ước tính sản xuất sắt ở Trung Quốc vào năm 1078 là khoảng 150.000 tấn mỗi năm. Toàn bộ sản lượng sắt và thép ở châu Âu vào năm 1700 cũng không được nhiều như vậy. Tốc độ tăng trưởng sản xuất sắt và thép của Trung Quốc là 12 lần trong hai thế kỷ, từ 850 đến 1050.

Các ngành dệt sợi tơ, gai, lông đều rất phát đạt, và khu vực Tây Bắc phổ biến nghề đan len, còn tại các khu vực Tứ Xuyên, Sơn Tây, Quảng Tây, Hồ Bắc, Hồ Nam, Hà Nam thì nghề dệt sợi gai hết sức hưng thịnh. Đến thời Nam Tống, Quản Nam Tây lộ (bao gồm cả bán đảo Lôi Châu) trở thành trung tâm nghề dệt sợi bông. Khu vực Lưỡng Chiết và Xuyên Thục thì có nghề dệt tơ, triều đình thiết lập Chức cẩm viện tại khu vực tập trung nghề dệt tơ. Khoảng năm 1295, Hoàng Đạo Bà đem kỹ thuật xe sợi dệt vải của người Lễ tại đảo Hải Nam đến Ô Nê kính tại Tùng Giang phủ, đồng thời cải tiến công cụ và kỹ thuật xe sợi dệt vải, có công lao đặc biệt trên phương diện mở rộng nghề dệt bông sợi[tham 72].

Quan diêu, dân diêu thời Tống phân bố khắp toàn quốc, đương thời có bảy loại gốm sứ nổi tiếng là 'Định diêu' tại Khúc Dương Hà Bắc, 'nhữ diêu' tại Nhữ Châu Hà Nam, 'Quân diêu' Vũ huyện, 'Quan diêu' Khai Phong, 'Ca diêu' và 'Đệ diêu' tại Long Tuyền Chiết Giang, 'Cảnh Đức diêu' tại Cảnh Đức Trấn Giang Tây, 'Kiến diêu' tại Kiến Dương Phúc Kiến, cùng nhiều lò gốm lớn nhỏ phân bố tại các địa phương. Đồ sứ thời Tống thông qua con đường tơ lụa trên biển mà được bán ra hải ngoại, như Nhật Bản, Cao Ly, Đông Nam Á, Nam Á, Trung-Tây Á[tham 73].

Thời Bắc Tống, nguyên liệu chủ yếu để làm giấy gồm tơ, tre, mây, gai, mạch can. Tứ Xuyên, An Huy, Chiết Giang là các khu vực sản xuất giấy chủ yếu, 'bố đầu tiên', 'lãnh kim tiên', 'ma chỉ', 'trúc chỉ' của Tứ Xuyên; 'ngưng sương', 'trừng tâm chỉ', 'túc chỉ' của An Huy; 'đằng chỉ' của Chiết Giang đều nổi tiếng đương thời, thậm chí còn có các chế phẩm chăn giấy, y phục giấy, áo giáp giấy. Sản xuất giấy với số lượng lớn cung cấp cơ sở cho sự phồn vinh của nghề in ấn, nghề in ấn thời Tống phân thành ba hệ thống lớn, hệ thống quan khắc do Quốc tử giám khắc sách được gọi là 'giám bản', thư phường dân gian khắc sách gọi là 'phường bản'; gia đình sĩ thân tự khắc in thư tịch thuộc hệ thống tư khắc. Đông Kinh, Lâm An, Mi Sơn, Kiến Dương, Quảng Đô đều là các trung tâm nghề in ấn vào đương thời. Đương thời, trong số các phường khắc sách thì Chiết Giang được cho là là tốt nhất, gọi là 'Chiết bản', Tứ Xuyên đứng thứ hai, gọi là 'Thục bản'. Ngành khắc sách tại Phúc Kiến lấy chất lượng để giành danh tiếng, gọi là 'Kiến bản', đặc biệt trong đó Ma Sa trấn tại Kiến Dương, gọi là 'Ma Sa bản'. Xã hội thượng lưu lưu hành tập tục khắc sách, lấy thư phẩm do Quốc Tử giám tại Lâm An khắc ra có chất lượng tốt nhất. Ngành khắc sách thời Tống dùng giấy mực tinh tế, bản khắc thưa rõ, thể chữ uyển chuyển, kỹ thuật chế tác tinh mỹ, truyền thế rất ít, hết sức giá trị và nổi danh tại hậu thế[tham 74].

Giao thông

Trung tâm chính trị-kinh tế của triều Tống chuyển dịch theo hướng đông và hướng nam, khu vực đông nam có hệ thống đường sông phát triển, mạng lưới đường thủy dày đặc, là một mạng lưới giao thông tự nhiên. Triều Tống còn chú trọng khai thông đường sông, xây cầu, tạo ra điều kiện giao thông thuận lợi. Thời kỳ Nam Tống, giao thông đường biển cũng rất hưng vượng.

Trình độ kỹ thuật đóng thuyền thời Tống là hết sức tiên tiến so với thế giới đường thời. Năm Nguyên Phong thứ 1 (1078) thời Tống Thần Tông, Minh châu chế tạo được hai chiếc 'thần chu' vạn liệu (khoảng 600 tấn). Năm 1974, tại Tuyền Châu thuộc Phúc Kiến khai quật được một chiếc thuyền cổ thời Tống, có 13 khoang cách thủy, trong hành trình trên biển nếu một vài khoang bị thấm nước thì thuyền cũng không gặp nhiều nguy hiểm. Xưởng đóng tàu chủ yếu thời Tống phân bố tại các khu vực như Giang Tây, Chiết Giang, Hồ Nam, Thiểm Tây. Kiền châu, Cát châu, Ôn châu, Minh châu đều là các cơ sở đóng thuyền trọng yếu. Những năm Chí Đạo (995-997) thời Tống Thái Tông, lượng thuyền toàn quốc đều vượt quá 3300 chiếc. Sang thời Nam Tống, do phương nam có nhiều tuyến đường thủy cộng thêm mậu dịch hàng hải ngày càng phát đạt, nghề đóng thuyền phát triển nhanh chóng. Lâm An phủ (nay là Hàng Châu), Kiến Khang phủ (Giang Ninh phủ, nay là Nam Kinh), Bình Giang phủ (Tô Châu), Dương châu, Hồ châu, Tuyền châu, Quảng châu, Đàm châu, Hành châu và các khu vực khác trở thành các trung tâm đóng thuyền mới. Thuyền Mộc Lan đi biển đóng tại Quảng châu có thể "vượt Nam Hải đến phương nam, thuyền như nhà lớn, buồm xuôi theo mây trên trời, bánh lái dài vài trượng, một thuyền có vài trăm người, trong chứa lương thực cho một năm". Những năm đầu Nam Tống còn xuất hiện các chiến thuyền kiểu mới như xa thuyền, phi hổ chiến thuyền.[tham 75].

Thương nghiệp

Mậu dịch hải ngoại

Chế độ phú thuế

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nhà Tống http://www.confucianism.com.cn/html/wenxue/1348450... http://www.cenet.org.cn/cn/CEAC/2005in/jjs008.doc http://www.art-and-archaeology.com/timelines/china... http://books.google.com/books?id=BxH0PqdGTVUC&pg=R... http://www.lunwentianxia.com/product.free.4452120.... http://www.xabusiness.com/china-resources/song-lia... http://www.artsmia.org/art-of-asia/history/dynasty... http://www.bcps.org/offices/lis/models/chinahist/s... http://www.chinaheritagequarterly.org/features.php... //dx.doi.org/10.1163%2F156852001753731033